Lái bền chắc trên biển đời bấp bênh

1316962045.8313

Giáo sư Ivo Vasiljev

Trong tác phẩm, trên cơ sở chỉ rõ căn bản “Ta là ai”, tác giả đã trả lời rất rõ các câu hỏi trên. Ngoài ra, tác giả cũng giải đáp những câu hỏi liên quan đến việc đạt tới hạnh phúc cá nhân, xây dựng quan hệ gia đình, xã hội một cách tốt đẹp hơn và do đó, góp phần giúp tăng trưởng hạnh phúc, an lạc của những người xung quan h chúng ta.

Tôi hết sức vinh dự và xúc động khi được viết đôi lời cảm nhận về tác phẩm “Ta là ai” của thầy Duy Tuệ. Thật ý nghĩa với tôi, mặc dù, “tuổi” Minh Triết của tôi còn thua xa nhiều vị Hiền giả trong Đại gia đình Minh Triết.

Nội dung tác phẩm gồm bốn bài thuyết giảng rất phong phú, nhưng trọng điểm được thể hiện trực tiếp trong tựa đề ngắn gọn, “Ta là ai.”

Chữ “ta” có nghĩa là con người, bao gồm mọi người trên thế giới, bất kể thành phần dân tộc, tôn giáo, giai cấp, giới tính, nghề nghiệp, chức vụ, giàu nghèo, tuổi tác… Còn chữ “ai” giải đáp vấn đề về bản chất của “ta”, của con người. Tại sao chúng ta cần biết mình là ai? Thầy Duy Tuệ giải thích rõ:

“Chỉ những người hiểu mình là ai thì may ra mới có được hạnh phúc. Cho nên, người ta nói vui, nhưng lại không có hạnh phúc. Không phải nhiều tiền là hạnh phúc, an lạc. Người nào hiểu được mình là ai thì tự nhiên sẽ an lạc ngay. Song, để đạt được điều đó, quả rất khó!”

Ai cũng muốn có hạnh phúc và đời sống an lạc. Mặt khác, cách đây trên 2.500 năm, chính Đức Phật đã phát hiện và chỉ rõ cho chúng ta con đường tự cứu mình ra khỏi mọi đau khổ. Nhờ Đức Phật và các đệ tử đương thời mà chúng ta biết Tứ Diệu Đế, chỉ ra nguyên nhân đau khổ trong đời người luôn luôn thay đổi, và Bát Chánh Đạo với các con đường giải thoát khỏi vòng luẩn quẩn của đau khổ.

Thế nhưng, thầy Duy Tuệ đã chỉ thẳng:

“Nếu Bát Chánh Đạo giải quyết được sự thay đổi có tính hình tướng đó thì tại sao người ta, quý Phật tử và tăng ni học mãi vẫn không giải quyết được? Suốt cuộc đời tu học cũng chỉ có Bát Chánh Đạo và Tứ Diệu Đế. Mà Bát Chánh Đạo lại nằm trong Tứ Diệu Đế, nên giáo lí căn bản chỉ có bốn điều. Tại sao người học và thực hành mãi vẫn không giải quyết hay thỏa mãn được cuộc sống của mình, còn muốn thành Phật, chưa được an lạc? Người học học sai chỗ nào, thực hành chưa đúng chỗ nào, hay chưa thông chỗ nào?

Nếu nói Bát Chánh Đạo là chìa khóa giải quyết vấn đề khổ đau, thì tại sao mấy ngàn năm qua không phát huy tác dụng? Tám con đường đó là để giải quyết tình trạng của cái đầu mỗi người, chứ không phải lên thiên đàng hay về cõi Phật như kinh sách nói, nhưng tại sao không giải quyết được? Do người học chưa hiểu đúng hay chưa làm đúng? Do nghiêng nặng quá về sách vở, cho nó là số một, kim chỉ nam nên cứ bám mãi? Chữ nghĩa là sinh mạng mình hay sự thấy biết và tình yêu có sẵn trong đầu là sinh mạng mình? Phải đi sâu và đặt nhiều câu hỏi như vậy mới hiểu rõ vấn đề.”

Trong tác phẩm, trên cơ sở chỉ rõ căn bản “Ta là ai”, tác giả đã trả lời rất rõ các câu hỏi trên. Ngoài ra, tác giả cũng giải đáp những câu hỏi liên quan đến việc đạt tới hạnh phúc cá nhân, xây dựng quan hệ gia đình, xã hội một cách tốt đẹp hơn và do đó, góp phần giúp tăng trưởng hạnh phúc, an lạc của những người xung quanh chúng ta.

“Ta là ai”, cho chúng ta hiểu được bản chất con người, cũng như lời dạy của Đức Phật. Tác giả giải thích rất khoa học, phân tích các khái niệm rất rõ ràng, phù hợp với người hiện đại có đầu óc khoa học, tránh mọi mê tín dị đoan. Giúp người đọc hiểu tương quan mật thiết giữa lời dạy của Đức Phật Thích Ca cũng như Phật hoàng Trần Nhân Tông – nhà tư tưởng vĩ đại, anh hùng dân tộc, với văn hoá truyền thống của dân tộc Việt Nam.

Nền văn hoá Việt Nam rất thực tế. Xuất phát từ văn hoá dân tộc đó, thầy Duy Tuệ chia sẻ rất dễ hiểu với cả những người phương Tây đang tìm con đường mới, nhằm khắc phục những mâu thuẫn về đạo lí trên thế giới trong hoàn cảnh toàn cầu hóa.

Về nội dung cụ thể của tác phẩm, không ai có thể trình bày rõ và hay hơn tác giả, nên tôi xin phép không đi sâu.

Cuối cùng, tôi xin chúc tác phẩm độc đáo và quan trọng – “Ta là ai”, được giới thiệu rộng rãi với các bạn đọc Việt Nam và thế giới, để thông điệp của tác giả sớm được đón lấy, để mỗi người có thể lái chiếc thuyền của mình bền vững trên biển đời bấp bênh ở thế gian hiện tại và sau này.

Duy Pht Nhãn (Giáo sư Ivo Vasiljev – C.H Séc)

Ngày 04/05/2011